Bộ TN&MT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH

Kế hoạch được thực hiện theo hai giai đoạn: giai đoạn từ năm 2018 đến 2020 và giai đoạn từ 2021 đến 2030 nhấn mạnh tới việc đề cao trách nhiệm và đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, có hiệu quả giữa các đơn vị liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Nghị quyết.

Cánh đồng điện gió Bạc Liêu
(Nguồn: http://dulichkynguyen.com/blogs-du-lich/canh-dong-quat-gio-bac-lieu.html)

Những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với từng giai đoạn như sau:
 
Giai đoạn 2018 – 2020
Các nhiệm vụ và giải pháp ở giai đoạn này tập trung vào các nội dung trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bao gồm: (i) Cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu; tăng cường công tác điều tra cơ bản; (ii) Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; (iii) Rà soát, hoàn thiện và xây dựng các phương án quy hoạch; (iv) Tuyên truyền nâng cao nhận thức; (v) Phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ; (vi) Huy động và quản lý nguồn lực tài chính; (vii) Tăng cường hợp tác quốc tế.
 
Cập nhật, hệ thống hóa số liệu, dữ liệu và tăng cường điều tra cơ bản
Nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn này là hoàn tất việc rà soát, cập nhật, hệ thống hóa số liệu về tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH); xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phục vụ các hoạt động thích ứng với BĐKH, kết nối với cơ sở dữ liệu của Ủy hội sông Mê Công quốc tế; cập nhật Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam, chi tiết hóa cho vùng ĐBSCL và xây dựng hướng dẫn sử dụng kịch bản BĐKH trong xây dựng các đề án, nhiệm vụ phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội của vùng, của địa phương và của ngành.
Các nhiệm vụ điều tra cơ bản tập trung vào đánh giá sạt lở; sụt lún; tài nguyên nước mặt, nước ngầm; đo đạc địa hình; môi trường và khí tượng thủy văn. Cụ thể: Tăng cường công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL, bao gồm: Đo đạc địa hình lòng dẫn các sông chính; quan trắc, cập nhật dữ liệu về mực nước ngầm; điều tra, đánh giá tiềm năng và chất lượng đất, tiềm năng cát tại các lưu vực sông, các tai biến môi trường; khảo sát, đánh giá biến động lòng sông, đường bờ sông Tiền và sông Hậu; phân loại mức độ khan hiếm nước, thiếu nước và đề xuất giải pháp khai thác, sử dụng nước; điều tra, khảo sát, thống kê, xác định tọa độ, vị trí, diện tích các khu vực biển đang sử dụng; điều tra, khảo sát và đánh giá các tác động rủi ro do hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ xây dựng quy hoạch tổng thế khai thác, sử dụng bền vững và quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; điều tra tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng biển Tây Nam Bộ phục vụ phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Nâng cấp và hiện đại hoá hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo về tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL. cụ thể: Hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo khí tượng thủy văn, hải văn, bùn cát; hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo môi trường; hệ thống giám sát nguồn nước dự báo, cảnh báo, hạn hán và xâm nhập mặn; mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hệ thống đo đạc, giám sát, đánh giá sụt lún.
Cập nhật, hoàn thiện và công bố định kỳ Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam đến năm 2100, chi tiết hóa cho vùng ĐBSCL; xây dựng hướng dẫn sử dụng Kịch bản BĐKH và nước biển dâng trong xây dựng các đề án, nhiệm vụ phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương và ngành. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL phục vụ phát triến bền vững và thích ứng với BĐKH, kết nối với cơ sở dữ liệu của Ủy hội sông Mê Công quốc tế; Hoàn thiện và hiện đại hoá mạng lưới độ cao khu vực ĐBSCL thuộc mạng lưới cao độ quốc gia, phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu,…
 
Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Theo kế hoạch  hành động, sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nhằm mục đích triển khai cụ thể Nghị quyết 120/NQ-CP và phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, cụ thể gồm: Xây dựng cơ chế phối hợp, giám sát giữa các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị, các đối tác phát triển và thực hiện đánh giá tiến độ và hiệu quả của Chương trình hành động tổng thể nhằm đảm bảo việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP; Rà soát, sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tập trung ruộng đất nhằm thức đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh và hiệu quả cao, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
 
Rà soát, hoàn thiện và xây dựng các phương án quy hoạch trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các phương án quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, các chương trình, dự án mang tính tổng thể, liên ngành, liên vùng nhằm phục vụ quy hoạch các tỉnh, thành phố ĐBSCL. Trong đó, các phương án quy hoạch bao gồm: Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công; quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch bảo vệ môi trường; quy hoạch điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản để lồng ghép vào Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Tuyên truyền nâng cao nhận thức
Việc xây dựng và tổ chức triển khai công tác truyền thông để tăng cường nhận thức cho nhân dân và các cấp về việc thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ là một nội dung giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thành công Nghị quyết. Các Chương trình truyền thông về phát triển bền vững, BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường được thực hiện như tổ chức các buổi tập huấn tại các Bộ, ngành, địa phương về Nghị quyết số 120/NQ-CP để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH vùng ĐBCSL; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dụng các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về BĐKH, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững; định kỳ tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững ĐBSCL.
 
Phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ
Kế hoạch hành động nhấn mạnh tới giải pháp tập trung đẩy mạnh các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Cụ thể bao gồm: Lựa chọn mô hình thích ứng thông minh theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động thích ứng với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; Xây dựng bộ công cụ hỗ trợ giám sát và cảnh báo thiên tai phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai ở vùng ĐBSCL dưới tác động của BĐKH; Đề án đánh giá tổng thể tác động của việc phát triển thủy điện dòng chính sông Mê Công, chú trọng việc hạ thấp mực nước Biển Hồ, Campuchia; Đánh giá sụt lún tại ĐBSCL do nguyên nhân tự nhiên, do con người và do tác động của nước biển dâng gây ra; Đánh giá tác động của các hoạt động khai thác cát đến ĐBSCL; Đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH và nước biển dâng đến vùng ĐBSCL và xây dựng các giải pháp ứng phó; Đánh giá phân vùng cấp độ rủi ro sạt lở bờ sông, bờ biển các tỉnh vùng ĐBSCL phục vụ công tác quy hoạch, chỉ đạo điều hành phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; Đánh giá và phân vùng khí hậu, các yếu tố thời tiết, khí hậu bất lợi, phục vụ chuyển đổi mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, phòng tránh thiên tai vùng ĐBSCL; Phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo cho các loại hình thiên tai khu vực ĐBSCL thuộc Chương trình “Cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, trượt lở đất, xâm nhập mặn”; Ứng dụng công nghệ viễn thám đánh giá diễn biến, thực trạng ảnh hưởng và đề xuất một số giải pháp phòng, chống xâm thực dải ven biển Việt Nam do ảnh hưởng của BĐKH phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; Đánh giá tác động của các hoạt động thích ứng đã triển khai đối với kinh tế - xã hội, đề xuất các giải pháp để phát triển bền vững ĐBSCL; Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn quản lý tổng hợp ứng phó với tác động của BĐKH, áp dụng thí điểm khu vực ĐBSCL; Xây dựng bộ mô hình kinh tế tài nguyên nước đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL.
 
Huy động, quản lý nguồn lực tài chính và tăng cường hợp tác quốc tế
Bộ sẽ quan tâm đẩy mạnh việc vận động tài trợ để thu hút nguồn lực tài chính và công nghệ từ các đối tác quốc tế, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong việc thực hiện Kế hoạch hành động. Tăng cường năng lực cho đơn vị trực thuộc Bộ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.
Về hợp tác quốc tế, nhiệm vụ giai đoạn 2018-2020, Bộ sẽ xây dựng các chưong trình dự án, nhiệm vụ giúp điều phối các hoạt động song phương và đa phương với các quốc gia thượng nguồn cũng như thiết lập các khuôn khổ hợp tác quốc tế mới nhằm phát huy sự hỗ trợ đầu tư của các đối tác quốc tế để phát triển bền vững ĐBSCL.
 
Giai đoạn 2021 – 2030
Dựa trên kết quả thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp của giai đoạn 2018 - 2020, trọng tâm của giai đoạn này là triển khai các chương trình, dự án đã được phê duyệt, nhân rộng các mô hình đã qua giai đoạn thử nghiệm và có hiệu quả; cập nhật các cơ sở dữ liệu và công bố định kỳ Kịch bản BĐKH và nước biển dâng; cập nhật điều tra về tài nguyên và môi trường về ĐBSCL; nâng cấp và hiện đại hoá hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo về tài nguyên và môi trường; triển khai các chính sách, quy hoạch tích hợp được phê duyệt; mở rộng các quan hệ đối tác song phương, đa phương thu hút đầu tư; tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông.
Nội dung nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này tập trung: (i) Cập nhật, duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành, đặc biệt chú trọng việc cập nhật, hoàn thiện và công bố định kỳ Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam đến năm 2100 phục vụ thích ứng với BĐKH tại ĐBSCL, triển khai các chương trình, dự án về nâng cấp hệ thống quan trắc, dự báo cảnh báo các mạng lưới và các bộ công cụ, hướng dẫn kỹ thuật nâng cao năng lực giám sát và dự báo tác động của BĐKH, nước biến dâng vùng ven biển ĐBSCL. (ii) Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, đề án, nhiệm vụ về lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã được xác định ở giai đoạn đầu. (iii) Triển khai thực hiện các phương án quy hoạch, dự án, đề án, nhiệm vụ liên quan đã được xác định ở giai đoạn đầu. (iv) Triển khai thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ khoa học đã được xác định và triển khai ở giai đoạn đầu. (v) Tiếp tục triển khai các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho nhân dân và các cấp về việc thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. (vi) Tăng cường huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho các hoạt động phát triến bền vững thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL. (vii) Tăng cường hợp tác quốc tế là một trong những ưu tiên trọng tâm của giai đoạn này nhằm huy động các nguồn lực quốc tế, các chuyên gia nước ngoài thực hiện các nhiệm vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH về lâu dài.
 
Chi tiết nội dung kế hoạch xem thêm tại đây 

Theo CTTĐT Bộ TNMT

  • 10/23/2020 2:46:13 AM